Giới thiệu tóm tắt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Cà Mau

 16:38, 05/10/2020

1. Quan điểm

Chương trình OCOP Cà Mau là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương (xã, phường, thị trấn) theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể (HTX) và các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) thực hiện nhằm góp phần tái cơ cấu kinh tế tỉnh Cà Mau theo hướng phát triển nội sinh, gia tăng giá trị và tham gia đồng bộ với Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2019 - 2020, kế hoạch 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.  

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo lập và quảng bá thương hiệu trên cơ sở đăng ký xác lập,bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ.

Chủ thể OCOP - người tạo ra sản phẩm OCOP là cộng đồng, người dân tại địa phương, là người tham gia chương trình - tự hoàn thiện, đổi mới, phát triển sản phẩm dưới sự hỗ trợ của nhà nước, nhằm làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, cải thiện sinh kế của người dân và cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế -xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn, và công nghiệp hoá nông thôn.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển Hợp tác xã, Doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn;

- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí: “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới;

- Góp phần thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống của nông thôn.

2.2. Mục tiêu cụ thể

Nâng cấp, phát triển sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Phát triển sản phẩm và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, theo đó:

          - Đến năm 2020:

+ Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP: (1) hoàn thiện tổ chức bộ máy chuyên trách từ tỉnh đến cấp huyện theo hướng gọn nhẹ để triển khai chu trình OCOP thường niên của tỉnh; (2) Rà soát, ban hành chính sách riêng cho Chương trình; chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm; hoàn thiện chu trình OCOP thường niên; (3) Xây dựng hệ thống hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện theo chu trình thường niên; hệ thống xúc tiến đồng bộ, hoạt động bài bản; thương hiệu sản phẩm OCOP Cà Mau được lan rộng và phổ biến trên toàn quốc.

+ Tiêu chuẩn hóa ít nhất 25 sản phẩm, dịch vụ hiện có của tỉnh Cà Mau;

+ Công nhận, chứng nhận 02 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao và ít nhất 10 sản phẩm đạt 3 - 4 sao;

+ Phát triển, nâng cấp ít nhất 22 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP;

+ Đào tạo: 100% cán bộ OCOP các cấp; 100% cán bộ lãnh đạo đương nhiệm các chủ thể OCOP.

          - Đến năm 2025:

+ Phát triển mới và tiêu chuẩn hóa thêm ít nhất 47 sản phẩm, dịch vụ;

+ Công nhận, chứng nhận thêm ít nhất 05 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao và ít nhất 20 sản phẩm đạt 3 - 4 sao;

+ Phát triển, nâng cấp mới thêm ít nhất 28 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP;

+ Đào tạo, cập nhật kiến thức mới: 100% cán bộ OCOP các cấp; 100% cán bộ lãnh đạo đương nhiệm, cán bộ lãnh đạo trẻ các chủ thể OCOP; 50% người lao động OCOP.

          - Đến năm 2030:

+ Phát triển mới và tiêu chuẩn hóa thêm ít nhất 28 sản phẩm, dịch vụ;

+ Công nhận, chứng nhận thêm ít nhất 05 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao và ít nhất 20 sản phẩm đạt 3 - 4 sao;

+ Phát triển, nâng cấp mới ít nhất 21 tổ chức kinh tế, 21 hộ gia đình tham gia Chương trình OCOP;

+ Đào tạo, cập nhật kiến thức mới: 100% cán bộ OCOP các cấp; 100% cán bộ lãnh đạo đương nhiệm các chủ thể OCOP; 50% người lao động OCOP còn lại.

3. Phạm vi áp dụng, đối tượng thực hiện

3.1. Phạm vi áp dụng

Về không gian: tất cả 101 xã, phường, thị trấn thuộc 09 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Về thời gian: giai đoạn 2019 - 2030.

3.2. Đối tượng thực hiện

- Sản phẩm: Gồm sản phẩm hàng hoá và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền; trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương.

- Chủ thể thực hiện: Các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ợp tác xã, tor hợp tác các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh,... trong đó chú trọng các DNNVV, HTX. Các chủ thể này khi tham gia Chương trình OCOP sẽ được phát triển, nâng cấp theo hướng: Hộ sản xuất kinh doanh  phát triển thành doanh nghiệp; THT phát triển thành HTX; HTX, DNNVV phát triển thành công ty cổ phần.

4. Nội dung

4.1. Triển khai thực hiện Chu trình OCOP tuần tự theo các bước:

- Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP;

- Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm;

- Nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh;

- Triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh;

- Đánh giá và xếp hạng sản phẩm;

- Xúc tiến thương mại.

4.2. Hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm, bao gồm:

- Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP

 Thành lập hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau gồm:

+ Cấp tỉnh

+ Cấp huyện

- Đánh giá:

- Phần A: Đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm), gồm: Tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng.

- Phần B: Đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm: Tiếp thị; câu chuyện về sản phẩm.

- Phần C: Đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm), gồm: cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo; tiêu chuẩn; khả năng xuất khẩu, thị trường quốc tế.

- Phân hạng:

- Hạng 01 sao: dưới 30 điểm, sản phẩm khởi điểm tham gia OCOP, có thể nâng lên 2 sao.

- Hạng 02 sao: từ 30 đến 49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể nâng lên 3 sao - sản phẩm cấp tỉnh

- Hạng 03 sao: từ 50 đến 69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng lên 4 sao.

- Hạng 04 sao: từ 70 đến 89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng  lên 5 sao - sản phẩm cấp quốc gia

- Hạng 05 sao: từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và Kiểm tra, giám sát

Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG Cà Mau sẽ định kỳ kiểm tra, giám sát tình hình triển khai Chương trình OCOP tại các địa phương và hướng dẫn, phối hợp với địa phương kiểm tra tại các cơ sở về việc quản trị chất lượng trong sản xuất các sản phẩm OCOP, bao gồm:

- Xây dựng và nâng cấp tiêu chuẩn sản phẩm;

- Triển khai và lưu giữ hồ sơ lô sản phẩm (trong đó có nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, kiểm nghiệm sản phẩm cuối cùng);

- Lưu mẫu sản phẩm,...

5. Hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm

- Tổ chức xúc tiến thương mại: Các sản phẩm OCOP được phân hạng và đạt chứng nhận 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại dưới ba hình thức:

+ Quảng cáo, quảng bá sản phẩm

+ Thương mại điện tử

+ Tổ chức sự kiện hội chợ, triển lãm

- Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện

- Thu thập, phân tích thông tin và dự báo thị trường

6. Đào tạo nhân lực cho chương trình OCOP

Các đối tượng được đào tạo và cách thức tổ chức đào tạo trong Chương trình OCOP Cà Mau bao gồm:

- Trong năm 2020, tổ chức các lớp đào tạo TOT cho toàn bộ các nhà quản lý, cán bộ OCOP cấp tỉnh, cấp huyện.

- Các nhà lãnh đạo, quản lý, phụ trách kinh doanh, kế toán các DNNVV, HTX, THT, Hộ gia đình tham gia OCOP (ưu tiên cho cán bộ trẻ đã qua đào tạo cơ bản do các Chủ thể OCOP cử đào tạo). Hoạt động đào tạo này được tổ chức hàng năm.

- Lao động trực tiếp tại các DNNVV, HTX được đào tạo lồng ghép với các chương trình đào tạo nghề của Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội của Tỉnh.

- Tổ chức các lớp đào tạo tập trung cho cán bộ quản lý các cấp và CEO của các doanh nghiệp, HTX trong nước và tại các nước có kinh nghiệm trong triển khai OVOP như: Nhật bản, Thái Lan.

Hàng năm sau khi được đào tạo các cán bộ TOT sẽ được tập huấn nâng cao để tiếp tục huấn luyện nâng cao lại cho cán bộ phụ trách cấp xã.

7. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất

Trong quá trình thực hiện Chu trình OCOP, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP sẽ thường xuyên được tư vấn, hỗ trợ nhằm:

- Hoàn thiện sản phẩm OCOP.

- Phát triển thị trường sản phẩm.

- Đào tạo con người trong tổ chức.

- Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

- Phát triển, hình thành mới doanh nghiệp.

8. Các chương trình, dự án thực hiện đề án OCOP Cà Mau giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030

Bố trí các chương trình, dự án của Chương trình OCOP Cà Mau được dựa trên các hoạt động hỗ trợ chủ yếu được mô tả trong Đề án OCOP Quốc gia. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP Cà Mau sẽ phối hợp, lồng ghép với Chương trình OCOP Quốc gia để triển khai các dự án thành phần về vùng sản xuất, dịch vụ nông thôn, các trung tâm OCOP quốc gia.

9. Nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP Cà Mau

Nguồn vốn dành cho Chương trình OCOP Cà Mau được bố trí trên cơ sở lồng ghép, tích hợp với các chương trình, dự án của trung ương, bộ, ngành và từ ngân sách của tỉnh. Nguồn vốn thực hiện Đề án bao gồm:

1. Nguồn vốn ngân sách nhà nước: Nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các nguồn vốn lồng ghép Trung ương và địa phương khác.

2. Nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: vốn của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tự huy động, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nguồn vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ Chương trình OCOP.

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình OCOP Cà Mau giai đoạn 2019 -2030 là 693,852 tỷ đồng; trong đó năm 2020: 93,505 tỷ đồng, giai đoạn 2021 -2025: 302,806 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030: 297,541 tỷ đồng.

10. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

10.1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Đây là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình quốc gia NTM, hoạt động này cần được tập trung tuyên truyền cho các đối tượng sau:

- Các cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM các cấp

- Cộng đồng

10.2. Xây dựng bộ máy vận hành OCOP

- Hệ thống bộ máy chỉ đạo điều hành: Thành lập hệ thống bộ máy chỉ đạo điều hành, thực hiện Chương trình OCOP theo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã)

- Thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp huyện, tỉnh:  (theo điểm 4.1, khoản 4, mục II, phần 4).

Hội đồng cấp huyện: Có từ 05 đến 07 thành viên, gồm:

+ Chủ tịch Hội đồng: là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện;

+ Đại diện từ các phòng ban chuyên môn, tổ chức có liên quan;

+ Chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP.

* Hội đồng cấp tỉnh: Có từ 09 đến 11 thành viên, bao gồm:

+ Chủ tịch Hội đồng: là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

+  Đại diện các sở, ngành: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ (Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở hữu trí tuệ); Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế (Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm), Tài nguyên và Môi trường (Chi cục Bảo vệ Môi trường); đại diện cơ quan tham mưu triển khai Chương trình NTM, Chương trình OCOP cấp tỉnh;

+ Đại diện khác: Chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP; đại diện sở, ngành, các hiệp hội, hội khác có liên quan…

10.3. Các chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP

Theo Đề án Chương trình OCOP Quốc gia, nguồn lực bố trí cho Chương trình chủ yếu là nguồn vốn lồng ghép, tích hợp từ các chương trình, dự án, đề án khác của trung ương và địa phương. Do đó, các chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP Cà Mau trước hết được dựa theo nguyên tắc lồng ghép, tích hợp với các nguồn từ bộ, ngành và của tỉnh. Ngoài ra, còn có thể có nguồn vốn từ ngân sách tỉnh được bố trí nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh đối với Chương trình.

10.4. Thành lập hệ thống hỗ trợ Chương trình OCOP Cà Mau

- Hệ thống tư vấn: cơ quan phụ trách OCOP các cấp; các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

- Hệ thống đối tác OCOP bao gồm: các cá nhân, pháp nhân có quan hệ với các chủ thể OCOP theo cách hợp tác cùng có lợi ích.