Chương trình OCOP giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa

 10:28, 14/11/2022

Chương trình OCOP giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa

 

Chương trình OCOP là chương trình phát triển nông thôn theo hướng phát huy nội lực bao gồm trí tuệ, sáng tạo, lao động, nguồn nguyên liệu, văn hóa của địa phương, nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Những kết quả tích cực

Tính đến nay, sau hơn 4 năm triển khai, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã lan tỏa mạnh mẽ trên khắp cả nước và đạt được những kết quả tích cực. Ông Đặng Quý Nhân, Phó Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới Trung ương cho biết, chương trình OCOP là chương trình phát triển nông thôn theo hướng phát huy nội lực bao gồm trí tuệ, sáng tạo, lao động, nguồn nguyên liệu, văn hóa của địa phương, nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Cụ thể, chương trình đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang liên kết chuỗi giá trị khép kín, với vai trò chính là các hợp tác xã và doanh nghiệp. Đến nay, cả nước đã hình thành được 393 chuỗi hoạt động hiệu quả và hơn 145 sản phẩm khai thác hiệu quả các vùng nguyên liệu của địa phương.

Bên cạnh đó, chương trình OCOP đã góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt với chủ thể là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số. Các sản phẩm OCOP đã đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì đa dạng, thân thiện môi trường, phù hợp yêu cầu thị trường. Chương trình OCOP cũng góp phần bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống, hiện có 5.400 làng nghề (2.000 làng nghề truyền thống) và 300 điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động.

Chương trình OCOP giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa. Ảnh minh họa.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh thành đã tích cực phát triển mô hình OCOP và đạt đươc kết quả bước đầu. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết: Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Đồng Tháp đã có 269 sản phẩm OCOP; trong đó có 61 sản phẩm OCOP 4 sao, 208 sản phẩm đạt 3 sao.

Song song với sản xuất, Đồng Tháp rất quan tâm tới hoạt động thương mại hóa các sản phẩm OCOP, giúp các chủ thể liên kết với thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 109 sản phẩm OCOP được bán trên sàn thương mại điện tử Shopee, 100 sản phẩm trên sàn VoSo, 76 sản phẩm trên Lazada, 73 sản phẩm trên sàn Co.opmart...

Hay tại Cà Mau, địa phương này hiện có 77 sản phẩm OCOP của 44 chủ thể. Trong đó có 3 sản phẩm 4 sao, 74 sản phẩm 3 sao, hầu hết đều thuộc nhóm thực phẩm và được xúc tiến phân phối tại các hệ thống siêu thị, đại lý trên cả nước cũng như các sàn thương mại điện tử.

Cà Mau xếp thứ 4/13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long về sản phẩm OCOP. Thời gian tới, địa phương sẽ xúc tiến thương mại, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm OCOP để tiếp cận các thị trường Hàn Quốc, Australia, Thái Lan. Cùng với đó, tăng cường công tác dự báo thị trường, thúc đẩy tư duy sản xuất kinh tế nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả việc kết nối tiêu thụ giữa các doanh nghiệp, tăng tường xúc tiến nông sản trên nền tảng số...

Chưa phát huy hết tiềm năng

Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả bước đầu khả quan, việc phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị. Ông Đặng Quý Nhân cho rằng, thời gian qua số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa bền vững, chưa tập trung vào các sản phẩm có lợi thế. Các địa phương thiếu sự chủ động, chưa tập trung chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, năng lực thị trường, các giải pháp hỗ trợ, tổ chức, quản lý. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mai còn manh mún, thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, hiện nay việc phát triển sản phẩm OCOP của địa phương còn hạn chế, khiêm tốn so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 74 sản phẩm và 21 chủ thể là những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Tuy còn nhiều dư địa để phát triển nhưng các chủ thể, các cơ sở sản xuất của địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các kênh phân phối.

Đặc biệt, hiện nay An Giang có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi bật, tuy nhiên các cơ sở sản xuất còn dè dặt, đắn đo, thậm chí từ chối tham gia chương trình OCOP do chưa có sự đảm bảo, chắc chắn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực phía Nam cho rằng, đang tồn tại nhiều hạn chế trong khâu thương mại hóa sản phẩm OCOP. Cụ thể, sau khi xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm OCOP, nhiều địa phương gần như chỉ dừng lại ở mức độ trưng bày, giới thiệu sản phẩm mà chưa có kênh thương mại để thuc đẩy tiêu thụ.

"Số lượng các sản phẩm OCOP tăng nhanh một cách ồ ạt, các địa phương chưa tập trung cho các sản phẩm lợi thế, mang tính chất đặc thù nên chất lượng cũng như hiệu quả của chương trình OCOP chưa cao. Đặc biệt, việc phát triển sản phẩm OCOP còn rời rạc, không có sự liên kết giữa các sản phẩm trong cùng một địa phương và các địa phương trong cùng một vùng", ông Lê Viết Bình phân tích.

Mục tiêu Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025

Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

Chương trình cũng ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể OCOP là các doanh nghiệp; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương...

Đinh Hùng - st (Nguồn VietQ: https://vietq.vn/)